TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU

DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG ĐẤT MŨI CÀ MAU

HOMESTAY NGUYỄN HÙNG


DU LỊCH CÀ MAU, ĐIỂM DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG ĐẤT MŨI – HOMESTAY NGUYỄN HÙNG

Du lịch Đất Mũi Cà Mau trọn Gói: Đặt phòng nghỉ, nhà hàng Ăn uống (Hải sản tươi sống), Tham quan các địa điểm nổi tiếng…
GỌI NGAY CHÚNG TÔI – HOMESTAY NGUYỄN HÙNG


Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập tại Quyết định số: 142/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ V/v chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi, tỉnh Cà Mau thành Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Với vị trị địa lý nằm trong vùng đất cuối cùng cực Nam của tổ quốc, địa giới hành chính các xã Đất Mũi, Viên An (huyện Ngọc Hiển); xã Lâm Hải, Đất Mới (huyện Năm Căn). Tổng diện tích là 41.862 ha, trong đó diện tích vùng đất liền là 15.262 ha được quy hoạch gồm các Phân khu chức năng như: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 12.203,0 ha, Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 2.859,0 ha và Phân khu hành chính – dịch vụ có diện tích 200ha; phần còn lại là diện tích vùng đất ngập nước ven biển và vùng bảo tồn biển (hay còn gọi là Phân khu Bảo tồn biển) có 26.600 ha.

                                   Điểm dừng chân tuyến xuyên rừng

      Nơi đây có hệ hệ động thực vật đặc hữu với nhiều loài quý hiếm với hơn 27 loài cây ngập mặn, 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 139 loài cá, 63 loài giáp xác… Diện tích của vườn quốc gia Mũi Cà Mau quản lý không ngừng được mở rộng một cách tự nhiên do hàng năm Mũi Cà Mau lấn ra biển hàng chục mét bằng nguồn phù sa do hệ thống sông, kênh, rạch mang đến. Bên cạnh đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được biết đến không chỉ là địa điểm nghiên cứu khoa học mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Chính vì mức đa dạng sinh học cao mà công tác quản lý, bảo vệ rừng ở đây thực sự là một thách thức đối với cán bộ công chức, viên chức Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nói chung và Hạt Kiểm lâm Mũi Cà Mau nói riêng.

   Trong những năm qua, du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, các Vườn quốc gia trong cả nước và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch, nghỉ ngơi…ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng; du lịch sinh thái góp phần tăng thu nhập, tạo sinh kế, tạo thêm cơ hội việc làm cho cộng đồng dân cư ở địa phương đặc biệt là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên và các cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn góp phần nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, du lịch sinh thái, còn được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm giảm tác động của người dân địa phương cũng như khách tham quan du lịch vào tài nguyên thiên nhiên. Song công tác phát triển du lịch sinh thái ở đây chưa mang lại hiệu quả cao, chỉ mang tính hình thức do vậy chưa đánh giá đúng thực trạng tiềm năng khu vực, nhu cầu của người dân địa phương cũng như nhu cầu của khách tham quan.

   Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng như những điều kiện thuận lợi, tài nguyên sẵn có và việc tạo sinh kế cho người dân, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập và thay đổi tập quán, cách nghĩ về khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững, hạng chế đến tác động đến môi trường… của cộng đồng địa phương. Cuối năm 2011, được sự tài trợ từ tổ chức Sida, Thủy điển và Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (WWF) thực hiện dự án “Xây dựng mô hình chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước ven biển góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau” cho 21 hộ dân trong đó có 05 hộ thực hiện mô hình du lịch. Đến nay người dân đã nhận thức và hiểu rõ hơn về giá trị và tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học Vườn quốc gia Mũi Cà Mau… Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường nhằm phục vụ cho phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (Homestay).
Hiện Vườn Quốc gia mũi Cà Mau chỉ có khu du lịch Mũi Cà Mau là điểm đến chính và thu hút lượng khách du lịch đông đảo với nhiều điểm tham quan mang ý nghĩa quốc gia như Cột mốc GPS 0001, biểu tượng mũi tàu, điểm mốc cuối cùng của đường Hồ Chí Minh, cột cờ Hà Nội (dự kiến khánh thành ngày 30/4/2019)… Theo kết qủa thống kê của Ban quản lý khu du lịch Đất Mũi lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Vườn Quốc gia hàng năm không ngừng tăng lên: năm 2013 thu hút 66.728 lượt khách, năm 2015 là 98.500 lượt, đến năm 2017 là 222.258 và 6 tháng đầu năm 2018 là 106.797 lượt.

   Kết nối với khu du lịch Đất Mũi đó chính là các hộ tham gia mô hình Du lịch sinh thái dưa vào cộng đồng. Tại các điểm du lịch cộng đồng này, khách du lịch sẽ có cơ hội tham gia và trải nghiệm các hoạt động như: đặt lờ cua, câu hoặc giăng lưới bắt cá, mò sò, xổ vuông, nấu ăn và tham gia sinh hoạt cùng người dân, tham gia hoạt động giao lưu đờn ca tài tử… đây là một trong những hoạt động được du khách, nhất là khách nước ngoài đánh giá cao và có tính hấp dẫn rất lớn với du khách. Xây dựng được loại hình du lịch mới đó là  mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (gọi tắt là du lịch cộng đồng), loại hình tạo thêm điểm đến và góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở Vườn quốc gia. Đây chính là sự đột phá mới mẻ trong công tác phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động Mô hình du lịch cộng đồng đã mang lại kết quả nhất định.

                                Cá nhân phối hợp thực hiện mô hình du lịch xuyên rừng

   VQG Mũi Cà Mau là lá phổi xanh của tỉnh, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hòa giữa rừng và sông nước với biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt len lỏi trong rừng, khí hậu trong lành tạo nên khung cảnh thiên nhiên đặc thù thích hợp du lịch sinh thái tại Mũi Cà Mau. Cồn Ông Trang vị trí độc đáo, nằm ở cửa sông Cửa Lớn. Điểm du lịch sinh thái nổi bật của VQG Mũi Cà Mau, có khả năng trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với môi trường sinh thái thiên nhiên; nguồn tài nguyên thiên nhiên sẳn có cùng với cuộc sống, văn hóa của người dân với những truyền thống cách mạng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng tổ quốc cũng như là điểm tận cùng phía Nam của tổ quốc với cột mốc tọa độ số 1 đã được Việt Nam và quốc tế công nhận là những ưu thế cho việc phát triển du lịch cho khu vực này.

   Với những lợi thế về tài nguyên tự nhiên và tính đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau chỉ có một số điểm du lịch nhỏ, lẻ chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để đáp ứng cho nhu cầu của khách du lịch tới Vườn Quốc gia như hiện nay. Hơn thế nữa tại các điểm du lịch này ngoài điểm nhấn là nơi tận cùng của tổ quốc thì các sản phẩm cũng như loại hình du lịch đều giống nhau nên rất dễ gây cảm giác nhàm chán cho khách đến tham quan, du lịch trãi nghiệm. Điều này đòi hỏi phải phát triển thêm các điểm, loại hình du lịch khác, cùng với đó là đa dạng hóa các loại hình du lịch tại các điểm du lịch để góp phần hấp dẫn khách du lịch nhiều hơn nữa; đồng thời tăng cường xây dựng các Tour, tuyến tham quan mới như: tuyến du lịch xuyên rừng, tour nghiên cứu tìm hiểu về bãi bồi và vị trí địa lý Mũi Cà Mau, nghiên cứu tìm hiểu đời sống các loài chim…… làng nghề truyền thống và dần xây dựng thương hiệu để tạo thêm sản phẩm du lịch đảm bảo tính mới lạ, độc đáo không rập khuôn tại địa phương, tạo nên điểm đến cho du khách lưu trú tại đây.

   Thời gian tới Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phải thành lập Trung tâm du lịch và dịch vụ môi trường rừng, đây sẽ là đơn vị có chức năng thực hiện công tác quản lý các hoạt động Du lịch sinh thái ở Vườn như đề xuất tham mưu xây dựng các tour – tuyến du lịch cho thuê môi trường rừng; dịch vụ môi trường rừng; quảng bá du lịch kết hợp với vùng, miền, tuyên truyền giáo dục nhân dân sống trong và ven địa bàn quản lý …. nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ khu Ramsar, khu dự trữ Sinh quyển của Thế giới. Quản lý tài nguyên nhiên nhiên hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch, tạo thêm nguồn tài chính góp phần bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Việc phát triển du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là nhằm giúp cho cộng đồng hiểu và bảo vệ tốt hơn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của khu vực Đất Mũi, đồng thời giúp cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập, chia sẽ lợi ích công bằng bằng cách tham gia từ các dịch vụ du lịch đem lại cho người dân, do đó cách tiếp cận là thích nghi, trong quá trình thực hiện sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh để hoàn thiện hơn để việc phát triển du lịch sinh thái trong khu vực của VQG được phát triển trên cơ sở bền vững trong tương lai./.

Nguồn: vuonqgmcm.camau.gov.vn

0947.216.798